Cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Lê Khánh Hằng

Từ khi còn là sinh viên, tôi đã bị cuốn hút bởi thế giới virus và ngạc nhiên vì những sinh vật nhỏ bé như vậy có thể trở thành mối nguy hại lớn cho con người. Ngay sau khi tốt nghiệp, tôi được nhận vào Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Tôi không nghĩ còn nơi nào phù hợp hơn để phát triển sự nghiệp nghiên cứu virus vì đây là một trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam nơi tôi có cơ hội làm việc các chuyên gia đầu ngành – những người luôn tận tâm hướng dẫn, chia sẻ kiến ​​thức cho thế hệ đi sau và khuyến khích chúng tôi nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề.

—Nguyễn Lê Khánh Hằng– trả lời phỏng vấn Ngân hàng Thế giới về con đường trở thành nhà virus học[2]

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Vi sinh vật thuộc khoa Sinh học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nguyễn Lê Khánh Hằng đến làm việc tại Phòng thí nghiệm Virus Hô hấp của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Bước ngoặt cuộc đời bà đến vào cuối năm 2003, khi bà cùng đồng nghiệp phát hiện ra một trường hợp nhiễm virus cúm A/H5N1. Kể từ thời điểm đó, bà bắt đầu tập trung vào việc nghiên cứu về các loại virus cúm A lây từ gia cầm sang người.[3]

Năm 2005, Hằng và đồng nghiệp cùng nhóm nghiên cứu của trường Đại học Tokyo, Nhật Bản phát hiện ra trường hợp bệnh nhân cúm A/H5N1 kháng thuốc Oseltamivir. Phát hiện này được đăng trên tạp chí Nature vào tháng 10 cùng năm.[3][4] Năm 2017, bà công bố công trình Epidemiology of Influenza in Hanoi, Vietnam, from 2001 to 2003 đăng trên tập san Journal of Infection.[3][5]

Năm 2017, Nguyễn Lê Khánh Hằng xuất bản đề tài khoa học Virus cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1, mối tương tác giữa người và động vật trong giai đoạn 2003–2010 dựa trên 7 năm nghiên cứu về sự tiến hóa, phả hệ và phân tử của virus cúm A/H5N1 và những đột biến của loại virus này ở người. Nghiên cứu được công bố trên tập san khoa học The Journal of Infectious Diseases của Hoa Kỳ.[6][7]

Năm 2018, bà được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước trao tặng danh hiệu phó giáo sư.[8] Giữa năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, bà được chỉ định làm Phó đội trưởng Đội xét nghiệm COVID-19 và điều động vào Đà Nẵng thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm.[9]